Hoạt động Phức_hợp_tiền_khởi_đầu_phiên_mã

PIC được "lắp ráp" ở vùng khởi động (promoter) mà điểm trung tâm là hộp TATA (hình 3). Sự lắp ráp này diễn ra theo các bước chính như sau:

  1. TBP đặc hiệu của Pol II là loại prôtêin liên kết hộp TATA gắn vào vùng khởi động ở hộp TATA. Loại TBP này là một tiểu đơn vị của "yếu tố phiên mã II D" (TFIID). TBP này nhận biết được trình tự TATA... trên vùng khởi động của gen, liên kết vào vị trí, nhờ đó, TFIID được "kết nạp" thành đơn vị duy nhất (hình 4).
  2. Đơn vị TFIID (lúc này gồm cả TBP) tương tác với TFIIA và cả TFIIB, nhờ đó "kết nạp" cả hai đơn vị này vào phức hợp đang lắp ráp ở vùng khởi động (hình 5).
  3. TFIIB tương tác với Pol II và tương tác với TFIIF giúp cho Pol II và TFIIF "gia nhập" cấu trúc đang được tổ chức này ở vùng khởi động. Sau đó TFIIE khi đã tham gia vào phức hợp sẽ "lôi kéo" TFIIH có hoạt tính kinase, nó phôtphoryl hoá Pol II ở CTD, và hoạt động hêlicaza dãn xoắn và tách mạch gen tại vùng khởi động. Đồng thời, nó cũng "kết nạp" các prôtêin sửa chữa trong phiên mã. Lúc này các đơn vị trên tạo thành một hình cầu tý hon gọi là "quả bóng phiên mã" (hình 6).
  4. PIc nằm trong lòng của Pol II (hình 1), từ đó tương tác với Pol II, giúp nó khởi đầu quá trình tổng hợp RNA (giai đoạn 1: khởi đầu phiên mã).

Sau khi tổng hợp được một oligô-ribônuclêôtit (khoảng 10 b), thì PIC đã có thể "giải tán", còn Pol II tự nó thoát khỏi vùng khởi động cũng như PIC để phiên mã nốt đoạn còn lại của gen, diễn ra giai đoạn kéo dài và kết thúc tương tự như phiên mã nhân sơ.[7]

Có thể xem chi tiết hơn về vấn đề này ở trang Phiên mã nhân thực.

  • Hình 3: Vị trí lắp ráp PIC ở vùng khởi động.
  • Hình 4: Hai "thành viên" đầu tiên của PIC ở hộp TATA.
  • Hình 5: Hai "thành viên" tiếp theo được "lôi kéo" gia nhập phức hợp.
  • Hình 6: Các "thành viên" chủ chốt đã hội nhập đủ, tạo thành "bóng phiên mã".
  • (Hình 1): PIC ở trong khe hở của Pol II, tương tác với nó, giúp nó vào giai đoạn khởi đầu phiên mã.